Bạo lực học đường
trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, phát triển phức tạp. Tính chất
và mức độ không ngừng tăng cao. Vấn nạn này trở thành một vấn đề nóng bỏng, nhức
nhối trong xã hội. Vậy làm thế nào để phòng chống bạo lực học đường?
Trước tiên, mỗi người cần hiểu rõ thế
nào là bạo lực? Bạo lực là hành vi gây tổn hại đến người khác. Bao gồm tổn hại
về cơ thể và tinh thần. Biểu hiện cụ thể như: đánh đấm vào cơ thể, mắng chửi, xỉ
nhục, nói xấu, tung tin trên mạng, đụng chạm vào những vùng nhạy cảm, quấy rối,
xâm hại, thậm chí bỏ rơi, không quan tâm, cô lập bạn cũng là một hành vi bạo lực...
Bạo lực xuất phát từ đâu?
Nguyên nhân đôi
khi chỉ bắt đầu từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong giao tiếp hàng ngày như: Tranh
chấp nhau đồ đạc, nói xấu nhau, tung ảnh của nhau trên mạng xã hội, hiểu nhầm
nhau, đọc trộm tin nhắn của nhau cũng dẫn tới bạo lực...
Bên cạnh đó,
nguyên nhân còn xuất phát từ những bất ổn tâm lí trong gia đình. Một đứa trẻ sống
trong hoàn cảnh bố mẹ thường xuyên cãi vã, đánh chửi nhau thậm chí chúng thường
xuyên bị đánh đập cũng chính là nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực.
Trong thời đại
cách mạng 4.0, các em bị ảnh hưởng bởi những hành vi bạo lực từ mạng xã hội. Mạng
xã hội vô tình đã định hướng ngôn ngữ và hành vi của bản thân các em. Mấy ngày
nay, bản thân ngạc nhiên khi thấy rất nhiều học sinh nói câu: “Em làm vậy bố em
đánh em không trượt phát nào!”. Tôi tò mò hỏi một em “Sao cô thấy mấy bạn hay
dùng câu đó thế? Câu đó xuất phát từ đâu?” Bạn học sinh đó trả lời: Trên mạng đấy
cô. Người nói là Fan cứng của anh “Khá Bảnh”. Vì khi anh ấy đi cắt tóc giống
anh Khá thì bố anh ấy đã đánh anh ấy không trượt phát nào.
Cách phòng tránh
khi bị bắt nạt, bạo lực
Đối với nhà trường
cần nâng cao nhận thức của học sinh về truyền thống dân tộc, nhân cách, lối sống
và ý thức chấp hành pháp luật. Hoạt động này khá đa dạng như thành lập tổ tư vấn
tâm lí, giáo dục thông qua các giờ học, giờ sinh hoạt lớp, mời chuyên gia tâm
lí.
Khi học trò có
xích mích, mâu thuẫn thì giáo viên cần giúp học sinh tìm những cách giải quyết
xích mích, mẫu thuẫn lịch sự, có văn hóa, phù hợp với chuẩn mực xã hội. Thầy
giáo cô giáo phải là nơi tin tưởng để các em tìm đến để nhờ tư vấn và giúp đỡ.
Đặc biệt, nhà
trường cần tạo một không gian thân thiện, lành mạnh, xây dựng tổ tư vấn tâm lí
học đường. Thầy giáo, cô giáo chính là những người sẽ giúp học trò vượt qua khủng
hoảng tâm lí tuổi mới lớn và giúp các con tìm ra cách giải quyết tình huống tốt
nhất.
Việc xử lý học
sinh vi phạm pháp luật, bạo lực học đường chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ học
sinh sửa chữa sai lầm trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, đối với những
học sinh vi phạm pháp luật, có hành vi xấu cần được xử lý nghiêm minh.
Hướng dẫn học
sinh cách phòng chống bị bắt nạt, bạo lực
Cách thứ nhất,
tìm cách tách khỏi môi trường ấy tạm thời. Kế sách mà chúng ta vẫn hay đùa vui
đó là: trong ba sáu kế, kế chuồn là thượng sách. Lí do là bởi khi đó, người gây
bạo lực cho chúng ta họ đang ở trạng thái tâm lí nóng giận, dễ bị kích động nên
cách tốt nhất là ta sẽ tìm cách tách khỏi môi trường ấy tạm thời bằng việc đi đến
một chỗ nào đó. Để cả ta và người gây bạo lực cho ta giữ bình tĩnh. Tuy nhiên,
sau đó, khi đã bình tĩnh thì sẽ quay trở lại để nói chuyện hoặc giải quyết vấn
đề hiểu lầm dẫn tới mâu thuẫn và bạo lực đó.
Trong trường hợp
chúng ta bị kẻ gây bạo lực khống chế thì bình tĩnh quan sát tình huống và tìm
cách để thoát thân bằng một số cách sau:
- Khi bị nắm tay
và kéo đi. Ta có thể dùng đầu gối hoặc dùng cùi trỏ đánh lại, tìm khe hở của
tay để thoát ra
- Khi bị ôm ghì
từ phía sau ta có thể huých vào tay, dẫm vào chân hoặc tìm cách ngồi xuống và bỏ
chạy
Cách thứ hai là
có thể tìm người tin cậy để giúp đỡ. Ví dụ: Ở trường, ta có thể báo, nhờ sự
giúp đỡ của thầy cô. Ở nhà, có thể nói với bố mẹ hoặc báo công an…
Tóm lại dù là
giáo viên, phụ huynh hay học sinh đều phải có trách nhiệm trong việc phòng chống
bạo lực học đường. Nên mỗi người cần phải biết kiềm chế để không nổi nóng, biết
nhận lỗi khi mình làm sai và có lòng vị tha. Như vậy mới có thể nói không với bạo
lực học đường.
Theo Hoàng Hải Yến
Tiếng nói giáo viên