Phòng, chống bạo lực học đường: Coi trọng xây dựng ý thức văn hóa trong nhà trường
Thời gian gần
đây, liên tiếp những vụ việc xảy ra trong môi trường học đường ở một số địa
phương, trong đó có thành phố Hải Phòng cho thấy, chưa bao giờ vấn đề an toàn
trường học đặt ra cấp thiết như lúc này. Việc giáo dục đạo đức, văn hóa, lối sống,
kỹ năng trong trường học…
Nêu cao noi gương
Mới đây, ngày 21-5, cô giáo đánh nhiều học
sinh ở Trường tiểu học Quán Toan (quận Hồng Bàng) phải nhận mức kỷ luật nặng buộc
phải thôi việc. Đồng thời, Hiệu trưởng trường và giáo viên chủ nhiệm lớp có học
sinh bị đánh nhận kỷ luật khiển trách. Sực việc trên dù được xử lý xong, nhưng
dư luận bức xúc vì cách hành xử thiếu văn hóa của một số giáo viên trong nhà
trường hiện nay. Chị Lê Thị Hằng, ở phố Phan Đăng Lưu (quận Kiến An) có hai con
đang học cấp 2 cho biết: Từ vụ việc xảy ra nêu trên, cũng như nhiều cha mẹ học
sinh khác, chị không đồng tình về cách hành xử thiếu văn hóa giáo dục biểu hiện
ở một số giáo viên. Từ đó cho thấy, một số thầy, cô giáo coi trọng dạy chữ mà
chưa chú ý đến dạy người, coi trọng số lượng hơn chất lượng, dẫn đến hành vi
khó kiểm soát, đánh học sinh... Đây là nguyên nhân ảnh hưởng sự phát triển nhân
cách học sinh, có thể dẫn đến hành vi chưa đúng ở học sinh... Qua đây, các nhà
trường cần chú trọng đến giáo dục chữ tâm, lấy đó làm nòng cốt để dạy học sinh.
Theo Phó hiệu
trưởng Trường THPT Thái Phiên (quận Ngô Quyền) Trấn Tiến Chinh: Mỗi thầy, cô
giáo cần là tấm gương sáng để trò rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phát triển các
phẩm chất, nhân cách. Do đó, bản thân người thầy phải luôn tu dưỡng đạo đức,
nâng cao năng lực chuyên môn, luôn làm “mẫu” về mọi mặt, mới giáo dục tích cực
đến học trò. Bên cạnh đó, các thầy, cô giáo quan tâm, đồng hành với học sinh
như những người bạn, luôn tạo niềm tin, chỗ dựa vững chắc để học trò tâm sự, thổ
lộ. Từ đó, thầy và trò dễ chia sẻ, cùng tháo gỡ các vướng mắc, cũng như định hướng
cho học trò những “điều hay, lẽ phải”.
Em
Trần Thị Ngát, học sinh lớp 12D2, Trường THPT Thái Phiên chia sẻ: Trên lớp, các
thầy, cô giáo như cha mẹ ở nhà. Không phải thầy, cô nào cũng có thể dùng cách
giải quyết nhẹ nhàng đối với học trò “cứng đầu”, khó bảo. Đôi khi không kìm nén
được cảm xúc, thầy, cô có lời to tiếng, đánh học trò. Các thầy, cô là những tấm
gương sáng học trò sẽ nể phục và noi theo. Khi đó, học trò sẽ thi đua nhau học
tập và rèn luyện, tạo môi trường giáo dục thân thiện, tích cực và an toàn.
“Xốc”
lại ứng xử học đường
Từ những vụ việc
đau lòng như cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng, giáo viên đánh học
sinh trong giờ kiểm tra trong thời gian qua, ngày 22-5, lãnh đạo ngành Giáo dục
- Đào tạo thành phố triển khai và quán triệt mạnh mẽ vấn đề đạo đức của người
thầy trong môi trường giáo dục nhằm hướng tới xây dựng môi trường ứng xử văn
hóa học đường.Từ đây, Sở giáo dục - Đào Tạo và Công đoàn ngành Giáo dục thành
phố khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai bộ quy tắc ứng xử, phòng, chống bạo
lực học đường hướng tới trường học hạnh phúc, phù hợp trong giai đoạn mới hiện
nay.
Được biết, trước
đó, Bộ Giáo dục - Đào tạo Ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc
ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục
thường xuyên. Mục đích xây dựng bộ quy tắc này nhằm điều chỉnh cách ứng xử của
các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần
phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều
kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục. Bộ quy tắc góp phần ngăn ngừa, xử lý kịp thời,
hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục. Xây dựng
văn hóa học đường để bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện
và phòng, chống bạo lực học đường.
Những kế hoạch, hành động trên của ngành Giáo
dục- Đào tạo cả nước và thành phố đang nhằm “xốc” lại văn hóa học đường phù hợp
yêu cầu mới hiện nay. Đây là một trong giải pháp hiệu quả để hạn chế thấp nhất
bạo lực học đường phát sinh, củng cố lại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp vốn
có giữa thầy và trò. Tuy nhiên, để xây dựng được môi trường văn hóa học đường
đòi hỏi ngành Giáo dục- Đào tạo phải có các giải pháp cụ thể để khuyến khích thầy,
cô giáo tâm huyết, gắn bó với nghề và chèo lái “con đò” trồng người đến bến bờ
tốt đẹp. Vì thế, theo Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thủy Nguyên Bùi Thế
Hiệp: Phần lớn những vụ bạo lực học đường đều xuất phát từ áp lực công việc, bệnh
thành tích... Để xây dựng ngôi trường hạnh phúc, trước hết phải giảm áp lực
công việc, áp lực sổ sách.... đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về những tấm
gương thầy tốt, trò tốt, môi trường giáo dục tốt...