HỘI NGHỊ TẬP HUẤN CHUYÊN MÔN CẤP THÀNH PHỐ
Chủ đề Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng năng lực học sinh, môn Địa lí, năm học 2014 - 2015
Ngày 18&19/9/2014, tại địa điểm Trung tâm Giáo dục thường xuyên Thành phố (số 33/Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân), Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tập huấn Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá (PPDH và KTĐG) theo định hướng năng lực học sinh, môn Địa lí, năm học 2014 - 2015. Thành phần tham dự hội nghị gồm 108 đại biểu, trong đó có 56 giáo viên là các tổ trưởng/nhóm trưởng môn Địa lí của 56 trường THPT và 48 giáo viên là cốt cán bộ môn thuộc 14 Phòng GD&ĐT các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Sự có mặt đầy đủ và hoạt động nghiêm túc của tất cả các thành phần đại biểu theo giấy triệu tập của Sở GD&ĐT thể hiện trách nhiệm nghề nghiệp, tính chủ động và nhìn nhận tập huấn chuyên môn là quyền lợi thiết thực của giáo viên.
Hình thức và phương pháp tổ chức hội nghị đổi mới theo hướng giảm các nội dung hành chính và tăng cường hoạt động trao đổi, bàn luận, thực nghiệm, dự giờ theo hướng phân tích các hoạt động của học sinh,…Tài liệu Hội nghị bao gồm: một số cơ sở lý luận về đổi mới PPDH và KTĐG theo định hướng năng lực học sinh (chuyên viên phụ trách bộ môn Địa lí của Sở GD&ĐT biên soạn); một số giáo án theo định hướng năng lực học sinh của thầy giáo Ngô Huy Thành (THCS Trần Phú, quận Lê Chân), cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Anh (THPT Lê Hồng Phong) và cô giáo Đỗ Thu Hương (THPT Quang Trung) và một số sản phẩm hoạt động học tập trải nghiệm của học sinh lớp 12 C2 (trường THPT Quang Trung). Sau phần giới thiệu đại biểu, tuyên bố lý do của Ban tổ chức, chương trình hội nghị có 05 nội dung chính:
1. Giới thiệu một số cơ sở lý luận; định hướng và gợi ý thực hiện về đổi mới PPDH và KTĐG theo năng lực học sinh trong môn Địa lí. Đối với cấp THPT, phần trình bày, trao đổi cơ sở lý luận còn có sự tham dự trực tiếp của các em học sinh lớp 12 C2 (trường THPT Quang Trung) – nhóm học sinh sẽ tham gia giờ học tập thực nghiệm sau đó. Đây là sự đổi mới hình thức tổ chức hội nghị tập huấn chuyên môn theo chiều sâu, “thử nghiệm” mô hình cùng một lúc tập huấn cơ sở lý luận cho cả hai đối tượng “dạy” và “học”, người thầy nhận thức đúng đắn sự cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy, tập huấn năng lực dạy còn các trò nhận thức đúng đắn sự cần thiết phải đổi mới phương pháp học, tập huấn năng lực học. Có mối quan hệ tương tác “ăn ý” này, quá trình đổi mới PPDH và KTĐG theo năng lực học sinh sẽ có hiệu quả cao hơn.
2. Dự giờ giờ học tập thực nghiệm của học sinh lớp 12 C2 (trường THPT Quang Trung) với chủ đề: “Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp”. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Đỗ Thu Hương, lớp học được chia làm 3 nhóm. Trước đó, các nhóm đã được nghiên cứu tài liệu học tập, tham gia trải nghiệm tại địa phương, thực địa ngoài cánh đồng trồng lúa, trồng rau của xã, quan sát các hoạt động của một số cơ sở sản xuất thuộc “tác nhân của biến đổi khí hậu” như nghề đúc làng Mỹ Đồng, nhà máy xi măng Hải Phòng; phỏng vấn người nông dân, trao đổi với cán bộ phụ trách Nông nghiệp nông thôn của huyện Thủy Nguyên; thu thập số liệu thống kê về diện tích, sản lượng của một số sản phẩm nông nghiệp của huyện,…Các nội dung này được các em sắp xếp, biên tập thành một báo cáo ngắn gọn. Thời gian học tập trung trên lớp kéo dài 60 phút, gồm 03 hoạt động: báo cáo kết quả học tập trải nghiệm của các nhóm, cả lớp thảo luận và kết luận. Hình thức, phương pháp báo cáo là thuyết trình sơ đồ tư duy kèm theo các hình ảnh minh họa hoạt động trải nghiệm, số liệu thống kê, đoạn video clip phỏng vấn,...được học sinh tự thiết kế thành các slide để trình chiếu.
Sôi nổi và ấn tượng nhất là phần các ý kiến tranh luận của các học sinh, ví dụ như ở huyện Thủy Nguyên, hiện tượng bão xuất hiện sớm hơn và mùa đông ngày càng “nóng” hơn do vậy ảnh hưởng đến chất lượng, mùa vụ, giá thị trường của rau bắp cải; Sự biến đổi màu sắc, kích thước của cá Sọi Cờ (theo tên địa phương); ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến việc giảm diện tích đất nông nghiệp của huyện Thủy Nguyên,… Bên cạnh việc thảo luận về nội dung kiến thức, học sinh còn đưa ra những nhận xét, bổ sung cho nhau về phương pháp, hình thức trình bày và báo cáo sản phẩm như hình ảnh còn mở, âm thanh Video clip nhỏ, một số thông tin chưa chuẩn xác, người thuyết trình khá tự tin, sự hợp tác giữa các thành viên của nhóm có hiệu quả cao,…
Cùng tham gia phần thảo luận của học sinh, TS. Vũ Thị Chuyên đặt vấn đề trao đổi: “Chủ đề học hôm nay, các em đã thực hiện khá thành công phương pháp học tập theo dự án, trong đó có phần trải nghiệm thực tế ở địa phương. Vậy sắp tới, đứng trước yêu cầu đổi mới phương pháp học tập ở tất cả các môn học, các em có thể sử dụng phương pháp học tập này cho tất cả các bài học được không ?” Trả lời câu hỏi, lớp trưởng Nguyễn Thành Trung cho biết, phương pháp học tập này khá mới, giúp các bạn trong lớp phát triển được nhiều năng lực, hứng thú và hiểu biết hơn về quê hương, nhưng lại mất nhiều thời gian, liên quan đến nhiều đối tượng tham gia như cán bộ địa phương, cơ sở sản xuất,... Trong các giờ học tới, tùy thuộc từng chủ đề, hoàn cảnh học tập của các môn học khác, các em mới có sự lựa chọn cụ thể,… Với hình thức trao đổi trên đây, vai trò của giáo viên dự giờ cũng được thay đổi, có thể “trợ giúp” cùng giáo viên hướng dẫn chính để điều chỉnh và “mềm hóa” việc tổ chức các hoạt động dạy – học trên lớp theo hướng hướng “mở”. Đây cũng là một điểm khác biệt của vai trò người dự giờ để nghiên cứu bài học dựa trên “phân tích hoạt động của học sinh” và người dự giờ để “đánh giá, xếp loại giờ dạy của giáo viên”.
3. Phần thảo luận của hội nghị, tập trung vào các vấn đề: nội dung, cách thức, mức độ tiến hành Đổi mới PPDH và KTĐG theo năng lực học sinh và các công việc cụ thể của tổ/nhóm chuyên môn và từng giáo viên trong năm học 2014 – 2015; bàn luận về giờ dạy và cấu trúc của một số giáo án thực nghiệm, giải pháp phân bổ thời lượng chi tiết và cách tiếp cận các hình thức dạy học mới như dạy học theo chủ đề tích hợp, liên môn; dạy học dự án,…và cách làm quen với “Chương trình nhà trường”. Cuối giờ thảo luận, các thành viên của hội nghị tham gia trả lời 02 câu hỏi thu hoạch của Ban tổ chức: có cần thiết phải thực hiện đổi mới PPDH và KTĐG theo năng lực học sinh không ? nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả đổi mới PPDH và KTĐG còn hạn chế là gì ? Thống kê phần trả lời, 99,2% số đại biểu cho rằng cần phải đổi mới PPDH và KTĐG theo năng lực học sinh, cho thấy hầu hết giáo viên có nhu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy; 100% đại biểu cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả đổi mới PPDH và KTĐG còn hạn chế là do giáo viên chưa biết tiến hành cụ thể như thế nào để đổi mới; việc dạy - học trong nhà trường thiếu tính ổn định nên có giáo viên thích ứng không kịp. Một mặt đặt ra yêu cầu xây dựng tầm nhìn chiến lược và mang tính vĩ mô đối với giáo dục của các nhà quản lý, nhưng cũng phản ánh thực tế còn không ít giáo viên thiếu tính chủ động và chưa hình thành thói quen tự đổi mới, năng lực trao đổi thông tin, tiếp cận với các xu hướng giáo dục của các nước trên thế giới còn hạn chế.
4. Phần kết luận, hội nghị thống nhất việc đổi mới PPDH và KTĐG theo năng lực học sinh được tiến hành trên cơ sở tiếp tục phát huy, kế thừa và phát triển hướng PPDH và KTĐG trong năm học trước. Năm học 2014 – 2015, ngoài nội dung công văn số 827/SGDDT-TrH và 831/SGDDT-TrH ngày 26/8/2014 về Hướng dẫn chung thực hiện đổi mới PPDH và KTĐG của Sở GD&ĐT, đối với môn Địa lý các nhà trường cần triển khai một số hoạt động dưới đây:
- Đối với tổ/nhóm chuyên môn: tối thiểu tổ chức 02 chuyên đề/học kỳ:
+ 01 chủ đề dạy học tích hợp, tổ chức dự giờ theo hướng “phân tích hoạt động của học sinh theo định hướng phát triển năng lực”;
+ Hình thành và phát triển các năng lực “dạy” của giáo viên môn Địa lí.
- Đối với giáo viên:
+ Xác định mục tiêu bài/chủ đề học: Ngoài các đơn vị chuẩn kiến thức, kỹ năng chuẩn, cần lựa chọn được ít nhất 01 phẩm chất, 01 năng lực chung và 01 năng lực chuyên biệt môn Địa lí (có trong Tài liệu tập huấn) để đưa vào mục tiêu từng bài/chủ đề học.
+ Thiết kế giáo án theo các hoạt động (có gợi ý cấu trúc giáo án kèm theo trong Tài liệu tập huấn). Thông thường, mỗi bài/chủ đề thiết kế 05 hoạt động học (khởi động, tìm hiểu kiến thức mới, thực hành, vận dụng và phát triển mở rộng). Điểm mới cần bổ sung so với trước đây là thiết kế được ít nhất 01 hoạt động vận dụng/bài hay chủ đề học (hoặc vận dụng để giải các dạng câu hỏi/ bài tập của đề thi; hoặc vận dụng để giải quyết tình huống thực tiễn có liên quan). Không thiết kế giáo án theo hình thức “dân hỏi, bộ trưởng trả lời” trong đó học sinh đóng vai trò là các bộ trưởng !!!. Sản phẩm bài học cần xây dựng rõ dàn ý của chủ đề trước khi đi sâu nội dung thông tin chi tiết của từng tiêu chí trong dàn ý. Khi trình bày tiến trình các bước của một hoạt động, nên đưa phần mô tả hoạt động học của HS (*Trò) lên trên/lên trước và phần mô tả giúp đỡ, tư vấn của GV (*Thầy) để ở dưới/ở sau (hoặc ẩn trong hoạt động của trò). Việc trình bày giáo án đủ cả 05 hoạt động hay gộp lại; nhiều hay ít cột; dọc hay ngang là tùy lựa chọn của giáo viên.
+ Tổ chức hoạt động, đưa ra được “quy chế/quy trình/quy tắc” khi thực hiện các tương tác nhóm-nhóm; HS-HS; HS-GV,... Tất cả học sinh đều được phân vai, phân nhiệm vụ phù hợp với năng lực và sở trường cá nhân, không để tình trạng học sinh “ngồi dự”, “ngồi xem”.
+ Bổ sung thêm vào ma trận đề kiểm tra một số định hướng năng lực cần thiết. Khi đặt câu hỏi/bài tập của đề kiểm tra theo định hướng năng lực học sinh, cần sử dụng các động từ/lệnh yêu cầu xác định rõ ràng, tránh chung chung (vì năng lực được hình thành qua hành động). Ví dụ, thay vì “Dựa vào bảng số liệu trên đây, nêu tình hình thay đổi diện tích trồng lúa…” hay “Căn cứ vào Atlat Địa lí Việt Nam, trình bày đặc điểm phân bố dân cư nước ta” nên chỉnh sửa để chuyển thành “Sử dụng bảng số liệu trên đây để đưa ra nhận xét về tình hình thay đổi diện tích trồng lúa…” hay “Sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam để trình bày đặc điểm phân bố dân cư nước ta”…
+ Trong đề kiểm tra 45 phút trở lên, cần đưa ra được ít nhất 01 tình huống thực tiễn để HS vận dụng kiến thức liên môn giải quyết (chiếm tỷ lệ 1-2/10 điểm tùy mức độ đề kiểm tra).
5. Một số kiến nghị:
- Trong 02 ngày tập huấn, không có sự hiện diện của đại biểu nào thuộc BGH của 56 trường THPT hay lãnh đạo, chuyên viên của 14 Phòng GD&ĐT tham dự hội nghị. Vì vậy, Ban tổ chức Hội nghị tập huấn môn Địa lí đề nghị BGH các trường THPT, lãnh đạo các Phòng GD&ĐT các quận, huyện cần bám sát kết luận của Hội nghị để xây dựng kế hoạch, tư vấn, giám sát và quản lí các hoạt động đổi mới PPDH và KTĐG theo năng lực học sinh, môn Địa lí, năm học 2014 - 2015.
- Các nhà trường có giải pháp để tất cả các giáo viên giảng dạy môn Địa lí được tiếp cận, thực hiện đổi mới PPDH và KTĐG theo tinh thần chung của Hội nghị. Phát huy vai trò của các thành viên đã tham gia Hội nghị tập huấn cấp thành phố để triển khai các hoạt động cụ thể của nhà trường, Phòng GD&ĐT.
- Các tài liệu tập huấn, các sản phẩm của Hội nghị đã được đăng tải trên mạng gửi về các địa chỉ Office của 56 trường THPT và 14 Phòng GD&ĐT. Kính đề nghị các nhà trường, các Phòng GD&ĐT tạo cơ hội để tất cả các giáo viên giảng dạy môn Địa lí của các nhà trường tiếp cận và tham khảo. Xin chân thành cảm ơn.
(Phòng Giáo dục Trung học)