image banner
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Giải bài toán bảo đảm cơ sở vật chất

       Dự kiến, tháng 4-2018, Bộ Giáo dục - Đào tạo chính thức ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới để triển khai các công tác chuẩn bị, đưa vào thực hiện từ năm học 2019-2020. Để thực hiện thành công Chương trình, một trong những yếu tố quan trọng là điều kiện cơ sở vật chất. Đây là bài toán cần sự phối hợp của Bộ Giáo dục - Đào tạo, chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục mới có thể giải quyết được.

 Cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu

      Theo Bộ Giáo dục - Đào tạo, hiện nay, cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập, trong đó có 15.050 trường tiểu học, 10.697 trường THCS, 2.430 trường THPT với gần 15 triệu học sinh. Tuy nhiên, số phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học, thư viện hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. Các cơ sở giáo dục (đặc biệt ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm thời và phải đi thuê, mượn các cơ sở bên ngoài.

      Cả nước hiện có 419.903 phòng học, trong đó, số phòng học kiên cố khoảng 323.551 phòng, đạt tỷ lệ 77,1% (Tiểu học 68,7%, THCS 85,7%, THPT 93,9%). Về phòng học bộ môn, cấp THCS có tỷ lệ 2,88 phòng/trường (trong đó, số phòng đáp ứng quy định đạt tỷ lệ 66,8%); cấp THPT có tỷ lệ 5 phòng/trường (số phòng đáp ứng quy định đạt tỷ lệ 72,8%). Số lượng thiết bị phòng học bộ môn mới chỉ đáp ứng được khoảng 68% nhu cầu giảng dạy.

      Về thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, trung bình ở cấp tiểu học 2,1 trường có 1 phòng máy; cấp THCS 1,3 trường có 1 phòng máy và THPT mỗi trường có 1,9 phòng máy. Trong khi đó, để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy tối thiểu, tại cấp tiểu học và THCS, mỗi trường cần ít nhất 1 phòng máy; đối với cấp THPT, mỗi trường cần ít nhất 2 phòng máy. Về thiết bị dạy học ngoại ngữ, trung bình tại cấp tiểu học có gần 1 bộ/trường, cấp THCS có khoảng 4 bộ/trường và cấp THPT có khoảng 14 bộ/trường. Các thiết bị này chủ yếu là thiết bị cầm tay, đơn chiếc, phục vụ  việc giảng dạy của giáo viên, hệ thống thiết bị dạy ngoại ngữ chuyên dùng còn ít.

      Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng: Một yêu cầu quan trọng để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới là cơ sở vật chất. Điều kiện tối thiểu là học sinh tiểu học phải học 2 buổi/ngày hoặc tối thiểu 6 buổi/tuần, sĩ số 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở trung học; lớp học phải bảo đảm điều kiện kê bàn ghế theo nhóm... Quy định này tưởng chừng chỉ các trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa mới gặp khó khăn, nhưng thực tế cho thấy ngay tại Hà Nội, đây cũng là thách thức không nhỏ.

      Cô Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành công B (Hà Nội) chia sẻ: Hiện tại, sĩ số ở nhà trường trung bình là từ 48-50 học sinh/lớp. Với sĩ số như vậy, giáo viên sẽ gặp khó khăn khi tổ chức hoạt động cho học sinh học theo nhóm, khó quan sát để hướng dẫn học sinh đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục mới. Để hỗ trợ giáo viên trong hoạt động giảng dạy, nhà trường đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến như máy tính, máy chiếu, loa... Với chương trình mới, nhà trường có thể đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất. Nhưng để bảo đảm sĩ số 30-35 học sinh/lớp là vấn đề khó đối với nhà trường nói riêng và các trường trên địa bàn Hà Nội nói chung. Bởi lẽ mật độ dân cư đông, số lượng học sinh không ngừng tăng lên nhưng quỹ đất của trường hạn chế, khó khăn khi xây dựng thêm phòng học. Đây là vấn đề cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp mới có thể giải quyết được.

 Đề cao trách nhiệm từ địa phương

      Bộ Giáo dục - Đào tạo cho biết: Trong giai đoạn tới, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ sẽ ưu tiên các tỉnh, vùng kinh tế phát triển chậm, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, các tỉnh, thành phố cần chủ động huy động nguồn vốn từ ngân sách địa phương, kêu gọi xã hội hóa và các nguồn tài trợ để từng bước giải quyết các nhu cầu về đầu tư cơ sở vật chất trường học.

       Trong giai đoạn 2017 – 2024, Bộ Giáo dục - Đào tạo yêu cầu ngành chức năng các địa phương tiếp tục tham mưu với UBND cấp tỉnh thực hiện nội dung trong Công văn số 1428/BGDĐT-CSVCTBTH về việc tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động kiểm tra, rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để phân loại theo 3 nhóm: còn sử dụng được; hư hỏng nhưng có thể cải tạo, sửa chữa được; hư hỏng nhưng không thể cải tạo, sửa chữa được. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm bổ sung, chọn lọc, phù hợp với lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.

       Song song với đó, Bộ sẽ điều chỉnh Đề án “Bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông” phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đề xuất các nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương để thực hiện Đề án; hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới và điều kiện thực tế của các địa phương; xây dựng, ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình giáo dục phổ thông mới đối với từng cấp học, môn học.

      Theo ông Phạm Hùng Anh, Phó cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ Giáo dục - Đào tạo), để đón trước việc triển khai chương trình mới, các địa phương cần phải đầu tư có trọng điểm, ưu tiên đủ phòng học cho bậc tiểu học và ưu tiên xây dựng bổ sung phòng học bộ môn cho bậc trung học. Trong đó, những môn học nhất thiết cần sử dụng phòng học bộ môn sẽ được ưu tiên đầu tư trước về thiết bị dạy học.

       Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) kiến nghị: Trong Luật Giáo dục sửa đổi phải quy định rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc bảo đảm đủ trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Khi để xảy ra các tai nạn đáng tiếc liên quan đến cơ sở vật chất xuống cấp, lãnh đạo địa phương cũng phải chịu trách nhiệm. Có như vậy, ngân sách đầu tư cho việc tu sửa, xây trường học mới được các địa phương ưu tiên, học sinh và giáo viên sẽ yên tâm học tập và sáng tạo.

Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt!